Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Người đời sống với 2 tiếng thị phi

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015
Đã là người thì không thể vẹn toàn. Cho dù ta có sống đàng hoàng đến cỡ nào hay tốt đến bậc nào đi chăng nữa thì cái "số" hay dính thị phi thì bản thân ta cũng phải luôn đối diện với thị phi.
Thời trẻ, khi nghe những điều không hay cho bản thân, ta thường phản ứng rất mạnh mẻ. Tùy theo bản năng mà mỗi người có cách xử lý chuyện thị phi mà mình mang phải. Nhẹ nhàng thì không thèm nói đến nhưng cũng chẳng muốn nhìn mặt nhau, hơn 1 chút thì đi gặp nói cho ra lẻ hoặc chữi nhau 1 trận cho hả dạ và cuối cùng thì "đập" 1 trận cho giản gân giản cốt.
Có những người sinh ra có cái số "sướng" từ nhỏ đến lớn thì cũng không nói làm gì. Còn đa phần, con người chúng ta phải "lăn lộn" trong cuộc sống để tìm miếng ăn thì không tránh khỏi những "va chạm" mà đã va chạm thì phải có "bằm dập". Mà bằm dập thì thôi muôn kiểu, nhẹ thì "rêm rêm" còn nặng thì "lên bờ xuống ruộng" cũng là chuyện bình thường. Kiểu như vậy thì như ông bà mình thường nói với con cháu của mình: đời nó dạy mày, cho biết đá biết vàng.
Nói cho cùng, khi còn trai trẻ hay có cuộc sống tự do thì kiểu "sao cũng được đến đâu hay đến đó". Nhưng khi bước vào cuộc sống mà ta làm trụ cột của 1 gia đình thì mọi chuyện không hề đơn giản khi "dính" thị phi. Với cách giải quyết trên thì chắc chắn rằng người thiệt thòi chính là những người ta yêu thương nhất. Lời thị phi của thế gian này còn độc hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu. Tui cũng như bạn, chúng ta không phải người vẹn toàn làm sao tránh khỏi tiếng chê bai, chỉ trích. Nhưng cái may mắn của mình luôn có người thương yêu mình, lo lắng cho mình thật sự & có thể nói cái đau của mình cũng là cái đau của họ. Những lời dặn dò, dạy bảo hàng ngày đều được tiêu hóa toàn bộ để nó thấm vào máu, ăn sâu trong tâm trí đều không nằm ngoài 2 chữ "bình tâm".
Có 2 câu chuyện của người thời xưa đối mặt với thị phi:
Câu chuyện thứ nhứt
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương.
Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.
Câu chuyện thứ hai
Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Anh Nhí 67 ◄Design by Pocket, BlogBulk Blogger Templates