Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

66 câu Phật dạy để ngộ ra chân lý cuộc đời

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Nguyên tác Hoa ngữ của “66 cầu thiền ngữ” này là “Lục thập lục điều kinh điển thiền ngữ”, có nghĩa là “66 câu thiền ngữ trong Kinh điển”, hay còn gọi “66 câu Phật dạy để ngộ  ra chân lý cuộc đời” được phổ biến trên internet vào khoảng năm 2004. Nó còn được dịch là “66 cầu làm chấn động thiền ngữ thế giới” hoặc “66 câu Phật học làm chấn động thiền ngữ”:

1.   Sở dĩ ta đau khổ chính là vì ta mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.
2.   Nếu ta không muốn rước phiền não vào mình thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho ta. Tất cả do nội tâm ta. Chỉ do ta không chịu buông xuống.
3.   Hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho ta.
4.   Phải luôn mở lòng khoan dung tha thứ cho người, cho dù họ có xấu nhiều khi họ đã làm tổn thương ta, ta hãy buông bỏ thì ta mới có được niềm vui trong cuộc đời này.
5.   Khi ta vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi ta đau khổ, hãy nghĩ rằng nỗi đau khổ này cũng không trường tồn.
6.   Sự chấp trước của ta ở thời điểm hiện tại này sẽ là nỗi đau khổ hối hận cho ta ở vị lai.
7.   Ta có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc vì chia ly là lẽ tất nhiên.
8.   Đừng lãng phí sinh mạng của ta trong những chốn mà nhất định ta sẽ ân hận.
9.   Khi nào ta thực sự buông xuống thì lúc ấy ta mới hết phiền não.
10. Một vết thương, một nỗi đau của ta đều là một sự trưởng thành của ta.
11. Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương. Chỉ khi nào nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, thì may ra mới thay đổi được người khác.
12. Đừng nên có thái độ bất mãn người khác hoài mà hãy quay về kiểm điểm chính ta. Bất mãn người khác là tự chuốc khổ cho chính mình.
13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản.
14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.
15. Làm người khác buồn chỉ cần một lời thôi nhưng làm người khác vui ta phải mất ngàn lời.
16. Ta không cần quay đầu lại coi người nguyền rủa hoặc chửi bới làm cho ta đau khổ là ai, là như thế nào, giống như ta bị một người điên đánh ta, chửi ta, chẳng lẽ  ta đánh lại người điên đó hay sao?
17. Đừng bao giờ để tâm lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến những người mà ta không thích hoặc người đó làm cho ta đau khổ mà hãy nên để tâm ta an trú trong Chánh niệm.
18. Hãy đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ nỗi oan ức hoặc bất mãn của ta, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận và hội lãnh được.
19. Cùng là một cái tâm, cùng là một con người có máu đỏ và nước mắt cùng mặn tại sao tâm ta lại chứa đựng nhiều sự phiền não như vậy?
20. Những việc mà ta chưa đạt được thì ta luôn cho rằng nó rất đẹp rất tốt, chính vì ta hiểu nó quá ít, ta không có thời gian đi sát với nó. Nhưng rồi  sau này khi ta hiểu sâu sắc, hiểu rõ vấn đề, ta phát hiện ra nó không còn đẹp đẽ, không còn tốt như trong tưởng tượng của ta lúc trước nữa thì ta hãy luôn luôn để tâm trong Chánh niệm, an trú trong Chánh pháp có như thế tâm ta mới không đau khổ và hụt hẫng.
21. Sống một ngày là diễm phúc của một ngày nên phải quý trọng. Khi ta khóc, ta than thân trách phận, đau khổ, ganh đua, hơn thua thì khi ngoảnh lại nhìn thì ta phát hiện có người không nhà, không cửa, bệnh tật, nghèo đói, đau khổ thì ta hãy biết quý trọng cuộc sống hiện tại của ta. Đừng nhìn mình nữa mà hãy nhìn cho mọi người có như thế tâm mình mới an lạc được.
22. Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác chi bằng mất một chút tâm lực phản tỉnh chính mình.
23. Hận thù người khác sẽ là một mất rất mát lớn đối với ta.
24. Mỗi người ai cũng có mạng sống nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó thậm chí trân quý mạng sống của mình  hơn. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối họ chính là một sự trừng  phạt.
25. Tính chấp của ta là nguyên nhân của khổ não và phiền muộn, ta hãy  buông chấp thì ta mới được an lạc tự tại.
26. Đừng có khẳng định về tư tưởng cách nghĩ của ta quá, như vậy sẽ ta đỡ phải hối hận, cắn rứt và đau khổ hơn.
27. Khi ta thành thật được với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối ta
28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.
29. Hãy âm thầm quan tâm cho mọi người đó là một sự bố thí vô hình của ta.
30. Đừng có gắng sức suy nghĩ, suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu ta không phán đoán bằng trí tuệ chính xác và kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết thì mắc phải sự nhầm lẫn là lẽ đương nhiên.
31. Muốn tìm hiểu một người chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của người đó có giống nhau hay không thì ta có thể biết được người đó có thật lòng hay không.
32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.
33. Người không tắm rửa thì càng xức nước hoa càng thấy hôi cũng như danh tiếng và đạo đức đến từ sự chân tài và thực học của mình. Có đức thì tự nhiên thơm.
34. Thời gian sẽ qua đi, thời gian sẽ là liều thuốc bổ, hãy để thời gian nó tự xoá  sạch mọi phiền não, khổ đau của ta đi.
35. Do ta cứ xem những chuyện đơn thuần thành quá nghiêm trọng nên ta sẽ rất đau khổ.
36. Người luôn e dè bác bỏ thiện ý của người khác thì người đó sẽ rất đau khổ và hết thuốc cứu chữa.
37. Làm người đau khổ bằng vọng ngữ, dối trá, điêu ngoa thì chính tâm mình phải bịa chuyện thêm nữa, cần gì mà phải làm khổ tâm của chính mình như vậy? Làm cho người khác đau khổ chính là chính mình đang tự làm cho tâm mình đau khổ. Vì chính tâm mình đang bị những ô nhiễm đó nó đang làm hư hoại tâm của chính mình
38. Sống một ngày mà vô ích, không làm được chuyện gì có ich chẳng hạn giúp đỡ cha mẹ, giúp đỡ người nghèo khổ, không làm được gì hết thì chẳng khác gì là một người phạm tội.
39. Quảng kết chúng sanh duyên chính là không làm tổn thương bất cứ người nào cho dù người đó có làm cho mình đau khổ.
40. Hãy im lặng, im lặng là một câu trả lời hay nhất cho những ai phỉ báng ta, làm cho ta đau khổ.
41. Cung kính đối với mọi người chính là sự trang nghiêm cho chính bản mình.
42. Có lòng thương yêu mọi người vô tận thì ta sẽ có tất cả sự an lạc tự tại trong đời này.
43. Đến là sự đương nhiên, đi là sự tất nhiên cho nên hãy tùy duyên mà hoá độ, hoá độ phải tuỳ duyên.
44. Từ bi là vũ khí lớn nhất của ta và của tất cả mọi người.
45. Ta hãy cần đối diện với sự thật thì ta mới vượt qua được sự thật.
46. Cái tâm của ta là cái tòa án công bằng nhất. Có thể ta dối được người khác, làm người khác đau khổ nhưng ta không bao giờ dối được chính cái tâm của ta.
47. Một người không biết yêu thương chính mình thì người đó sẽ không bao giờ biết yêu thương mọi người xung quanh.
48. Có lúc ta muốn thầm hỏi mình, ta đang đeo đuổi cái gì? ta sống vì cái gì?
49. Đừng chấp mà xa lìa tình nghĩa, tình mẫu tử, tình làng xóm, tình anh em, tình bạn bè. Cũng đừng vì sự oán giận, hận thù mà xa lìa sự thâm ân và quên đi cái tâm ân tình của người khác.
50. Cảm ơn đời vì những gì ta đã có, cảm ơn đời những gì ta không có.
51. Nếu ta có thể đứng ở góc độ của người để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.
52. Nói năng đừng có tính châm chọc, châm biếm hoặc gây tổn thương cho người, đừng có ngã mạn khoe tài cán của chính mình, đừng có phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn, hoặc sẽ hoá tan mọi sự hận thù.
53. Phải thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm của mình, đừng có nên lừa dối chính bản thân mình.
54. Nhân quả không có tội, nó không nợ chúng sanh cái gì hết cho nên chúng sanh đừng oán trách nó.
55. Đa số người đời chỉ làm được ba việc là dối mình, dối người và bị người dối.
56. Cái Tâm là cái tên lừa đảo lớn nhất của ta, người khác có thể dối gạt ta nhất thời, còn cái Tâm nó lại gạt ta suốt cả cuộc đời.
57. Nếu còn một chúng sanh nào chưa độ thì ta đừng nên thoát một mình. Chỉ cần tâm ta tự giác tâm an thì thế giới xung quanh đều an lạc và tốt.
58. Khi trong tay ta nắm chặt một vật gì mà ta không buông xuống được, cứ khư khư giữ nó bên mình thì ta chỉ có mỗi một thứ này thôi. Nếu ta chịu buông bỏ thì ta mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu cứ khư  khư với quan niệm của ta, không chịu buông bỏ thì trí huệ của ta chỉ đạt ở mức độ nào đó thôi. Ta chỉ có thể đạt được sự tương đối chứ không thể đạt được sự tuyệt đối.
59. Nếu ta có sống những ngày bình an, ta hãy để cho tâm ta an lạc thì đó chính là phúc của ta, có biết bao nhiêu chúng sanh đã không thấy được sự an lạc của ngày mai, biết bao nhiêu chúng sanh đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người đã đánh mất tự do.
60. Chúng sanh có quan điểm riêng của chúng sanh, ta có quan điểm riêng của ta, ta không có liên quan gì đến chúng sanh, chỉ cần ta có thể cảm hóa được chúng sanh, nếu không thì ta đành cam chịu bất lực.
61. Muốn tìm thấy sự vĩnh hằng của sự an lạc tự tại thì trước mắt ta cần phải khống chế cái hiện tại.
62. Ác khẩu, ta đừng để cho nó phát ra từ miệng của ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu, ta càng nguyền rủa thì tâm ta càng bị nhiễm ô. Ta hãy nghĩ họ là bậc thiện tri thức của mình.
63. Một người nào đó có thể làm trái luật nhân quả, có thể làm hại ta, hủy báng ta, lừa gạt ta, nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ. Ta hãy nhất định giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh trong sạch, có như thế ta mới tìm thấy được sự an lạc cho chính mình và gia đình mình.
64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn của người khác thì rất khó cảm thông cho người khác. Muốn học được sự cứu khổ cứu nạn của Chư Phật thì trước tiên chúng ta phải chịu khổ, chúng ta phải chịu đựng sự khổ đó.
65. Thế giới này vốn không thuộc về mình, do đó mình không cần bỏ nó. Cái mình cần vứt bỏ chính là tính Chấp của mình. Mọi vạn vật nó đều cung ứng cho mình nhưng nó không thể thuộc về mình mãi mãi.
66. Trên thế gian này mọi người không thể thay đổi được thế giới xung quanh nên mình phải thay đổi chính mình. Đối diện tất cả sự việc bằng tấm lòng từ bi và tâm trí huệ.

Anh Nhí Tâm Đắc 5/2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Anh Nhí 67 ◄Design by Pocket, BlogBulk Blogger Templates